Triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giới trên địa bàn tỉnh

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Thực hiện các kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về triển khai các Chiến lược, Chương trình, Đề án về công tác bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác BĐG theo chức năng, nhiệm vụ được giao; lồng ghép trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động hằng năm và theo giai đoạn 05 năm; đẩy mạnh phối hợp liên ngành, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tại đơn vị, địa phương.

Hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BĐG, các văn bản pháp luật mới liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em; Tuyên truyền công tác cán bộ nữ, nội dung BĐG trong lĩnh vực chính trị... được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căng, treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền trên một số trục đường chính, khu đông dân cư; Xây dựng nhiều tin, bài viết, phóng sự tuyên truyền trên Tạp chí Lao động & Xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trang thông tin điện tử, báo mạng, mạng lưới loa truyền thanh 209/209 xã, phường, thị trấn... In, cấp phát 60.500 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền luật về BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em; Tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong hội nghị, tập huấn của ngành và địa phương cho hàng nghìn đại biểu.

Chú trọng nâng cao năng lực thực hiện công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo việc thực hiện pháp luật về BĐG. Sở Lao động - TB&XH tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác BĐG cho cán bộ phụ trách công tác BĐG cấp huyện, xã, thôn; Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới tại 05 huyện, thành phố (Tân Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Sơn Động, TP. Bắc Giang).

Thực hiện mục tiêu giảm dần khoảng cách giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế… Cấp ủy Đảng các cấp trong Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG, về công tác cán bộ nữ. Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho các cán bộ, công chức nữ các ngành, các cấp.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đoàn thể đã triển khai nhiều nội dung, chương trình, đề án tác động đến đời sống của phụ nữ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, trong đó có lao động nữ như: Tổ chức Hội nghị đối thoại, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn - VSLĐ, Luật Công đoàn giữa Sở Lao động - TB&XH, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Điều tra, thu thập thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, về thực trạng việc làm, tình trạng thất nghiệp của người lao động để kết nối cung cầu; Triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” tập trung vào khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025”… Tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình của nhà nước để thuận lợi vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Hoạt động bảo đảm BĐG trong gia đình được tổ chức rộng khắp từ cơ quan, đơn vị đến các địa phương thông qua các phong trào, chương trình, hội thảo, như: Hội thảo "Truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình"; Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; Các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Triển khai thực hiện tốt việc lồng ghép phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện BĐG trong gia đình. Nhiều mô hình thu hút sự tham gia của phụ nữ như: Mô hình dịch vụ gia đình; Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh...

Công tác giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ được quan tâm. Đội ngũ cán bộ nữ luôn được ưu tiên cử đi đào tạo ở nhiều loại hình đào tạo khác nhau để nâng cao trình độ về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…Tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ và đa dạng các hoạt động nhằm bảo đảm BĐG lĩnh vực thông tin, truyền thông và tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính  trị, việc thực hiện các mục tiêu về BĐG trên các lĩnh vực ở Bắc Giang đã có những tiến bộ rõ nét. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại UBND, HĐND các cấp tăng so với giai đoạn trước (giai đoạn trước UBND, HĐND cấp huyện không có lãnh đạo chủ chốt là nữ). Cụ thể: Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt cấp xã là 25,4%; cấp huyện 50%; cấp tỉnh 28,6%; 32,8% sở, cơ quan, ban, ngành tỉnh có cán bộ lãnh đạo nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tỷ lệ nữ tham gia Đoàn ĐBQH khoá XV của tỉnh là 3/9 đại biểu (chiếm 33,3%); tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: cấp tỉnh là 26,67% (tăng 5,57%); cấp huyện 26,4% (tăng 1,1%); cấp xã 25,06% (tăng 2,96%). Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh có 01 đồng chí nữ là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; 01 đồng chí nữ là Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh, 01 đồng chí nữ là Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ.

Năm 2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 35.000 lao động, trong đó 17.600 lao động nữ (6 tháng đầu năm 2022 tạo việc làm cho 17.593 lao động); tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động là 72%; số lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 451.000 người. Tỷ lệ nữ là giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 23%.

Đạt 100% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 99,9%; hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt trên 98,5%. Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 35,1% vào năm 2021 và 37,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt 64%.

Tỷ số giới tính khi sinh là 113,8 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 5,1/100.000 trẻ sinh sống; Giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên xuống 13,5 ca sinh/1.000 phụ nữ vào 6 tháng đầu năm 2022.

Những kết quả trên cho thấy, khoảng cách giới đang dần được thu hẹp trên địa bàn tỉnh; Vị thế, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định, phụ nữ đã mạnh mẽ, tự tin, tham gia tích cực vào hệ thống chính trị các cấp, các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tự tin làm chủ cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững./.

CTV: Dương Yến - TE

Average (0 Votes)

Không tìm thấy video nào

User Online: 6,977
Total visited in day: 2,956
Total visited in Week: 39,337
Total visited in month: 128,572
Total visited in year: 899,746
Total visited: 18,282,565