Sơ lược quá trình phát triển Ngành Lao động - TB&XH tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:

Ngày 28/8/1945, trong tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Lao động và Bộ Cứu tế để làm nhiệm vụ về công tác lao động – xã hội trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ. Ngành Lao động – TB&XH đã ra đời cùng với đất nước, giữ vai trò, vị trí hết sức quan trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.  Là một lĩnh vực của đời sống xã hội, công tác lao động – thương binh và xã hội của nước ta mang những đặc trưng cơ bản: tổng hợp chính trị - kinh tế - xã hội – quốc phòng – an ninh; trực tiếp phục vụ hàng triệu người và gia đình có công với Cách mạng và Tổ quốc, hàng chục triệu người lao động và hàng triệu người thuộc các đối tượng xã hội khó khăn, yếu thế. Sự vận động của quá trình phát triển lao động – thương binh và xã hội trong từng thời kỳ Cách mạng trực tiếp tác động tới sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, trật tự - an toàn xã hội, góp phần đắc lực thực hiện cương lĩnh, chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng, Bác Hồ và Chính phủ đề ra đường lối, chủ trương, nhiệm vụ cho công tác lao động, thương binh, xã hội, đồng thời, tổ chức bộ máy phù hợp để thực hiện nhiệm vụ. Công tác lao động, thương binh, xã hội do các Bộ, Ngành khác nhau cùng đảm nhiệm như: Bộ Lao động, Bộ Cứu tế xã hội, Bộ Xã hội, Bộ Thương binh – Cựu binh, Bộ Thương binh Xã hội, Bộ Nội vụ, Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh và ngày nay là Bộ Lao động – TB&XH.  

Tại tỉnh Bắc Giang, những ngày đầu, công tác lao động do một phòng chuyên môn thuộc cơ quan Ủy ban kháng chiến hành chính thực hiện. Tháng 7 năm 1948, ty Thương binh Bắc Giang được thành lập. Bộ máy tổ chức làm công tác lao động, thương binh và xã hội của tỉnh không ngừng được củng cố, hoàn thiện phù hợp với điều kiện đất nước như: Ty Lao động, Ty Thương binh, Phòng Tổ chức dân chính, Ban Thương binh Xã hội, Ty Thương binh Xã hội, Sở Lao động, Sở Thương binh Xã hội. Tháng 1 năm 1998, hợp nhất thành Sở Lao động – TB&XH Hà Bắc. Từ ngày 01 tháng 01 năm 1997 đến nay là Sở Lao động – TB&XH tỉnh Bắc Giang.

Trải qua chặng đường 70 năm, dưới sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ làm công tác lao động, thương binh, xã hội, sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành, các địa phương và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong tỉnh, ngành Lao động – TB&XH tỉnh Bắc Giang đã không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn thực hiện nhiệm vụ được giao phó, mỗi thời kỳ đều giành kết quả đáng ghi nhận, toàn diện trên các mặt công tác, góp phần cùng địa phương và cả nước thực hiện thắng lợi  sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta đề ra.

Chương I

CÔNG TÁC LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH BẮC GIANG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 - 1954)

 

Trước tháng 7/1948, công tác TB&XH nằm trong Văn phòng của Ủy ban hành chính tỉnh do một cán bộ phụ trách. Đến tháng 7/1948, thực hiện sắc lệnh số 10/SL ngày 3/10/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thành lập Sở và Ty thương binh - Cựu binh ở các tỉnh, ó cấp liên khu; ty Thương binh Bắc Bắc được thành lập, có từ 5-7 cán bộ đảm nhận công tác Thương binh - Xã hội. Thời kỳ này, công tác lao động tập trung huy động nhân công cung cấp cho các ngành sản xuất, vận tải, tiếp tế, tìm việc làm và giới thiệu việc làm cho thợ thuyền, tổ chức các đoàn thợ cấy, thợ gặt … đưa đến các vùng khan hiếm nhân công; công tác cứu tế phát động toàn dân tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo cho đồng bào nghèo, thực hiện cứu trợ xã hội cho các đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống do thiên tai, bão lụt, mất mùa, tàn tật do chiến tranh; thực hiện tốt các chính sách  đối với công tác thương binh, liệt sỹ phục vụ cho cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền, tiếp tục cách mạng giải phóng dân tộc.

Công tác thương binh - liệt sĩ: Năm 1945, 1946 mặc dù các tổ chức đảm nhận công tác thương binh - tử sỹ chưa thành lập, nhưng Đảng và Chính phủ đã sớm có những chính sách ưu đãi đối với thương binh, tử sỹ, góp phần tích cực động viên nhân dân dũng cảm đấu tranh, giữ vững chính quyền cách mạng. Năm 1946, ở Trung ương thành lập "Hội giúp binh sĩ tử nạn" do Bác Hồ làm chủ tịch danh dự, còn ở các địa phương, Ủy ban kháng chiến hành chính cũng thành lập Hội và chỉ đạo hoạt động. Phong trào "mùa đông chiến sỹ" được hình thành. Tháng 6/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra hội nghị quan trọng, đề xuất và được Bác hồ quyết định chọn ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh toàn quốc đầu tiên (sau này đổi tên là ngày Thương binh liệt sỹ), từ đó, các chính sách, phong trào về thương binh liệt sỹ của cả nước cũng như trong tỉnh phát triển mạnh mẽ. Năm 1948, "Hội mẹ chiến sĩ" được thành lập ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và đã hoạt động tích cực các phong trào quyên góp, đỡ đầu chiến sỹ bị thương. Từ tháng 7/1951, Bác Hồ phát động cuộc vận động "đón thương binh về làng" được các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia. Thời kỳ này, tỉnh Hà Bắc đã tổ chức xây dựng được 3 trại thương binh để nuôi dưỡng tập trung, dạy văn hóa và dạy nghềcho thương binh, bện binh,tạo điều kiện cho thương, bệnh binh sau khi trở về gia đình xây dựng và ổn định cuộc sống; Ủy ban kháng chiến hành chính đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà thương binh, gia đình tử sĩ nhân dịp 27/7 hàng năm, hướng dẫn thân nhân tủ sĩ làm hồ sơ, nhận tiền tuất và tiền cứu tế đúng quy định. Các gia đình thương binh, tủ sĩ được chính quyền địa phương ưu tiên giảm tôm giảm tức, giảm thuế nông nghiệp và một số khoản đóng góp khác. Thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ chính là nguồn động viên tích cực cho phong trào thi đua ái quốc, huy động nhân lực phục vụ kháng chiến, khích lệ chiến sỹ ngoài mặt trận chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân  tộc.

Công tác lao động: Tham gia vận động nhân dân tích cực sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào di cư, tản cư; vận động công nhân, trí thức ra chiến khu lập công binh xưởng sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến… đồng thời, tập trung hoàn thành tốt hai nhiệm vụ: tổ chức động viên phong trào thi đua ái quốc trên mọi lĩnh vực, mọi ngành,  mọi người và động viên nhân lực đi dân công phục vụ các chiến dịch. Từ năm 1948-1954, tỉnh ta đã huy động hàng vạn lượt người với hàng trăm xe thồ đi dân công; động viên thanh niên xung phong tham gia mở đường, vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men phục vụ các chiến dịch Hồng Quảng (1948), Biên giới (1950), chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1952) và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên phủ lịch sử với sự tham gia của hàng ngàn thanh niên xung phong và chiến sỹ vệ quốc quân, trong đó có đội thanh niên xung phong mang tên là con em Hà Bắc đã vinh dự được góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

Công tác cứu tế:Sau cách mạng tháng tháng, nhân dân tỉnh Bắc Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn trở ngại dồn tới. Thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng ở Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang; hạn hán kéo dài ở các châu, phủ miền núi; nạn đói khủng khiếp và dịch bệnh hoành hành. Thực hiện chủ trương “công việc cứu đói cũng cần như việc đánh giặc”, Ủy ban cách mạng lâm thời đã tuyên truyền, kêu gọi lòng yêu nước, lập quỹ cứu tế, lập kho thóc cứu tế, tổ chức các đoàn đi cứu đói, vận động các gia đình thực hành tiết kiệm xây dựng hũ gạo “ủng hộ kháng chiến”, lập quỹ độc lập “tuần lễ vàng”..ủng hộ chính quyền cách mạng nuôi quân đánh giặc, mua sắm phương tiện phục vụ chiến đấu.

Chương II

CÔNG TÁC LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN HÒA BÌNH XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở MIỀN BẮC (1954 - 1965)

 

Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc khôi phục đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc cho giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bắc Giang cũng như các tỉnh trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đói xảy ra gay gắt, kéo dài trên diện rộng, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp. Cùng với các cấp, các ngành, ngành Lao động và ngành Thương binh - Xã hội bước vào giai đoạn cách mạng mới với những nhiệm vụ hết sức cấp bách, nặng nề. Công tác Lao động - TB&XH tỉnh Bắc Giang do hai Ngành đảm nhận là ngành Lao động và ngành Thương binh - Xã hội.

Công tác thương binh - liệt sĩ: Ngành Thương binh - Cựu binh Bắc Giang đã có nhiều cố gắng giải quyết các chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Hàng năm, các đơn vị, tổ chức, đoàn thể đều quyên góp hoặc có việc làm thiết thực để giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ nhân dịp 27/7 và dịp Tết Nguyên đán. Công tác phát hiện, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, khen thưởng cho thương binh và gia đình liệt sĩ được tiến hành khẩn trương. Ngành cũng tham mưu cho Ủy ban Hành chính tỉnh thực hiện nhiều biện pháp tích cực để ổn định và nâng cao đời sống cho các đối tượng chính sách như: bố trí thương binh vào công tác tại các cơ quan tỉnh, đưa các thương bệnh binh nhẹ vào các công nông trường để sản xuất,...

Ngày 27/10/1962, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc, thị xã Bắc Giang được lấy làm tỉnh lỵ. Ngày 01/4/1963, hệ thống chính trị của tỉnh Hà Bắc chính thức đi vào hoạt động. Căn cứ vào các chính sách của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, ngành Thương binh - Xã hội Hà Bắc tiếp tục hoàn thành các nội dung công tác thương binh - liệt sĩ còn tồn đọng; hoàn tất hồ sơ, thủ tục xác nhận đối với các đối tượng mà giai đoạn trước chưa hoàn thành như: cấp "Bằng Tổ quốc ghi công" cho các gia đình liệt sĩ; xét khen thưởng "Kỷ niệm chương", Bằng "Có công với nước" đối với những người hoạt động cách mạng trước năm 1945; lập hồ sơ khen thưởng Huy chương kháng chiến chống Pháp đối với cán bộ, nhân dân có thành tích tham gia kháng chiến. Ngoài ra, Ngành còn tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ chống Pháp còn sót lại về các nghĩa trang. Nhiều xã đã xây dựng nghĩa trang khang trang, sạch đẹp, nhiều nơi đã bố trí quản trang để bảo vệ, chăm sóc nghĩa trang. Các địa phương, đơn vị, xí nghiệp, trường học đề tích cực thực hiện cuộc vận động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Ngoài việc thực hiện chi trả đúng kỳ, tận tay cho các đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ theo tiêu chuẩn của Nhà nước, Ngành còn vận động hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, xí nghiệp, đơn vị, trường học, bệnh viện tham gia thực hiện chính sách ưu đãi đối với thương binh và các gia đình liệt sĩ trong lao động sản xuất, học tập, chữa bệnh và ổn định cuộc sống. Trại an dưỡng thương bệnh binh do Ngành quản lý cũng hoạt động có hiệu quả trong việc chăm nom, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng, tổ chức học văn hóa, dạy nghề và tăng gia sản xuất.

Công tác lao động: Tỉnh ta đã bố trí việc làm cho trên 10 vạn cán bộ miền nam tập kết ra Bắc; huy động nhân lực phục vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và tổ chức lại sản xuất cho các cơ sở sản xuất cũ; tiếp nhận hàng ngàn bộ đội xuất ngũ bổ sung cho các cơ quan, đơn vị kinh tế quốc doanh; huy động trên 3 ngàn lao động cho nghành lâm nghiệp để trồng rừng và khai thác lâm sản, đặc biệt là đã huy động hàng chục vạn ngày công tahm gia xây dựng Nhà máy phân đạm Hà Bắc và nhiều công trình khác. Đồng thời mỗi năm, Chính phủ huy động từ 10 - 20 vạn ngày công lao động trong tỉnh phục vụ các công trình giao thông, thủy lợi để khôi phục tuyến đường sắt Hà lạng, xây dựng công trường đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Tháng 7/1961, công tác di dân xây dựng vùng kinh tế mới được triển khai, đó là chủ trương vận động đồng bào miền xuôi đi xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa miền núi. Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), tỉnh đã đưa hàng ngàn hộ vùng đồng bằng lên các huyện trung du, miền núi xây dựng kinh tế mới; đón hàng ngàn hộ từ các tỉnh Nam Hà, Hải Hưng lên Hà Bắc lập nghiệp, phân bố lại lao động hợp lý để khai thác phát triển kinh tế tạo nguồn vật lực quan trọng phục vụ kháng chiến.

Công tác xã hội: Chiến tranh kết thúc, nhân dân ở vùng tạm bị địch chiếm trước đây tản cư ra vùng tự do, nay ồ ạt trở về quê cũ. Lúc này nạn đói đang xảy ra gay gắt. Công tác lãnh đạo, tổ chức, giúp đỡ đồng bào hồi cư, khắc phục nạn đói là nhiệm vụ cấp bách và hết sức khó khăn, phức tạp. Vụ giáp hạt tháng 8-1954, nạn đói xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, nạn đói kéo dài tới ngày thu hoạch lúa mùa. Các vụ giáp hạt năm 1955, nạn đói vẫn xảy ra nghiêm trọng. Một bộ phận nhân dân lao động ở thị xã, thị trấn không có việc làm, đời sống cũng rất khó khăn.

Để cứu dân đói, các cấp đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã vận động, thuyết phục nhân dân tương trợ lẫn nhau và tổ chức điều tra, thống kê tình hình dân đói để tiến hành cứu tế. Trong hai năm 1955 – 1956, những người bị đói đã được nhân dân và Nhà nước giúp hàng trăm tấn lương thực, hàng chục triệu đồng để chóng đói. Năm 1956, Nhà nước động viên nhân dân khai thác tre, nứa, gỗ, song, mây, rễ cỏ để bán cho Nhà nước  được 2.172.590 đồng và phát thóc xay 4.481,865 tấn thóc để nhân dân tận thu thóc gạo dôi dư chống đói. Bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực và sự gương mẫu của cán bộ đảng viên, năm 1957 nạn đói cơ bản được giải quyết. Trong ba năm Trong ba năm 1958 - 1960 ở tỉnh Bắc Giang, không năm nào không có thiên tai. Ủy ban hành chính tỉnh đã chỉ đạo tập trung phát triển sản xuất đồng thời thực hiện tốt các chính sách xã hội. Bằng các biện pháp cụ thể,  nạn đói hàng năm trên địa bàn tỉnh đều được giải quyết, số hộ đủ ăn tăng, đời sống nhân dân dần ổn định, góp phần tích cực phát triển kinh tế, ổn định chính trị trên địa bàn.

 

CHƯƠNG III

CÔNG TÁC LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ VỪA XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, VỪA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1966 - 1975)

 

Trong giai đoạn 1966 - 1975, công tác Lao động - Thương binh và Xã hội do hai Bộ và một cơ quan đảm nhận: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ và Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ty Lao động và Ban Thương binh - Xã hội (từ năm 1971 trở đi đổi là Ty Thương binh - Xã hội).  Đây là giai đoạn tỉnh Hà Bắc cũng giống như các tỉnh khác ở miền Bắc vừa phải tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cách mạng miền Nam, vừa phải chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Chiến tranh ngày càng ác liệt, sự hi sinh, tổn thất ngày càng nhiều, đòi hỏi chính sách hậu phương quân đội phải kịp thời đáp ứng nhu cầu chi viện nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến.

Công tác thương binh - liệt sĩ: Trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước phần lớn số hộ gia đình ở Hà Bắc có người thân tham gia kháng chiến, nhiều gia đình có tới 3 con trở lên vào quân đội. Đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Ngành Thương binh - Xã hội Hà Bắc đã có nhiều nỗ lực lớn để làm tốt chính sách thương binh - liệt sĩ. Ngành tổ chức các cuộc vận động chấp hành chính sách thương binh - liệt sĩ; phát động rộng rãi phong trào thi đua xây dựng "Gia đình cách mạng gương mẫu", "Người công dân kiểu mẫu" cho thương binh, gia đình liệt sĩ; hướng dẫn các địa phương bố trí công việc lao động thích hợp, bồi dưỡng, đào tạo kỹ thuật nghề để sắp xếp các việc làm ổn định cho thương binh và thân nhân liệt sĩ còn khả năng lao động; dạy nghề may cho hơn 200 thương binh ở các trại thương binh. Những thương binh, thân nhân liệt sĩ mất sức lao động, tỉnh có chủ trương giao cho các đơn vị, địa phương nơi cư trú trợ cấp lương thực hàng tháng và nuôi dưỡng hoàn toàn đối với các đối tượng chính sách cô đơn không nơi nương tựa. Công tác xây dựng, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ có bước tiến mới, nhiều nghĩa trang liệt sĩ được xây mới, tu bổ và nâng cấp. Các nhiệm vụ về giải quyết hưu trí, mất sức lao động, cứu tế xã hội được duy trì tốt. Đặc biệt là việc lo các khoản trợ cấp với phương châm "Đúng kỳ, đủ số, tới tay, tận nhà" là một cố gắng lớn của ngành Thương binh xã hội trong điều kiện tiền mặt luôn khan hiếm, được đối tượng và nhân dân tin tưởng.

Công tác lao động:Nhiệm vụ trọng tâm của công tác lao động thời kì này là huy động tối đa sức người, sức của thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Bắc Giang đã hưởng ứng thực hiện tốt phong trào thi đua lao động sản xuất và chiến đấu của cả nước với khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", các phong trào "Ba đảm đang", "Mỗi người làm việc bằng hai" vì miền Nam ruột thịt. Trong nông nghiệp, phong trào dành 3 mục tiêu: 5 tấn thóc, 2 đầu lợn trên một hec - ta gieo trồng liên tục được duy trì và phát triển. Mạng lưới giao thông phục vụ sản xuất và chiến đấu thông suốt, sức người, sức của được huy động đầy đủ, kịp thời, hàng chục vạn thanh niên đã lên đường cầm súng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tỉnh đã huy động và cung cấp cho đất nước trên 187 ngàn lao động, trong đó tuyển quân hơn 15 vạn người, tuyển 17.500 người cho các ngành kinh tế, đào tạo hơn 13.500 công nhân kỹ thuật; huy động  từ 3-4 triệu lượt ngày công/năm phục vụ cho việc đắp đê, làm đồng, chống bão lụt và phục vụ chiến đấu.... những đóng góp đó đã cùng quân nhân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Công tác xã hội: Do vừa phải tập trung sản xuất vừa phải chi viện cho miền Nam chiến đấu nên đời sống của nhân dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong 4 năm từ 1968 đến 1972, các địa phương trong tỉnh liên tục bị thiên tai ảnh hưởng nghiêm trọng đến, tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể  và nhân dân trong tỉnh ngày đêm chống chọi với thiên tai, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân. Sau lũ lụt, Tỉnh uỷ phát động phong trào toàn dân giúp đỡ đồng bào vùng lụt. Những buổi lễ kết nghĩa giúp đỡ lẫn nhau giữa xã với xã, huyện với huyện hết sức cảm động. Được giúp đỡ của cải và cả công lao động, nhân dân vùng lụt Lục Nam, Yên Dũng… Cùng với đó những gia đình gặp khó khăn, rủi ro, hoạn nạn, người già yếu, cô đơn được quan tâm giúp đỡ, từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và bắt tay ngay vào việc khôi phục và phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển sự nghiệp văn hoá xã hội.

 

CHƯƠNG IV

CÔNG TÁC LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

 TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ CÙNG CẢ NƯỚC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XHCN (1975-1996)

 

I. Thời kỳ 1975-1985

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong 10 năm từ 1975 đến 1985, nhiệm vụ đặt ra cho công tác lao động, thương binh và xã hội tăng gấp nhiều lần so với giai đoạn trước.

Công tác thương binh liệt sĩ  tập trung giải quyết chính sách tuất liệt sỹ, chính sáchđối với quân nhân phục viên chuyển ngành; tiếp tục quản lý, nuôi dưỡng, dạy văn hoá, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thương binh ở các trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh. Phong trào “Toàn Đảng, toàn dân chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ” phát triển mạnh mẽ với nhiềuđiển hình tiên tiến như: Thiếu nhi giúp đỡ các gia đình liệt sỹ ở xã Hợp Đức, huyện Tân Yên; Góp quỹ bảo trợ xã hội ở xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn; Góp than đun gạch để xây nhà cho đối tượng chính sách ở xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang; Xây dựng gia đình cách mạng gương mẫu và người công dân kiểu mẫu ở xã Phồn Xương, huyện Yên Thế…. Các tổ thương binh đã hình thành để động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc, tiếp tục góp sức cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Công tác lao độngđối mặt với các thách thức giải quyết thất nghiệp cho hàng vạn người, nhất là khu vực thành thị, bộ đội hoàn thành nhiệm vụ trở về, thanh niên bước vào tuổi lao động; Huy động lực lượng lao động phục vụ xây dựng giao thông, các công trình trọng điểm phục vụ sản xuất; Tăng cường quản lý lao động ở các xí nghiệp quốc doanh; Phân bố lại lao động giữa các vùng trong và ngoài tỉnh; Xây dựng quy hoạch phân bố sử dụng lao động, mức chi phí tiền lương cho các sản phẩm chủ yếu của xí nghiệp quốc doanh do tỉnh quản lý…Ngành Lao động tỉnh ta đã tuyển trên 55.000 lao động cho các ngành kinh tế, huy động 11 vạn lao động cho các tỉnh biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới; Đóng góp 7 triệu lượt ngày công nghĩa vụ phục vụ xây dựng thuỷ lợi, giao thông quốc phòng; Xây dựng hàng vạn mức lao động cho trên 100 xí nghiệp quốc doanh thuộc tỉnh quản lý, giúp đổi mới công  tác quản lý tổ chức lao động trong các hợp tác xã trên địa bàn.

Công tác xã hội: Bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, nền kinh tế của tỉnh đứng trước nhiều khó khăn, nhất là chiến tranh biên giới đã thu hút phần lớn nhân lực, vật lực phục vụ chiến tranh. Để giúp từng bước ổn định và phát triển đời sống nhân dân sau chiến tranh, Ủy ban hành chính tỉnh chỉ đạo các ngành các cấp vận động toàn dân ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vùng mới giải phóng hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn...cho sinh hoạt và giống vốn cho sản xuất.. Những gia đình gặp khó khăn, rủi ro, hoạn nạn, người già yếu, cô đơn trong tỉnh được quan tâm giúp đỡ. Đồng thời, ngành Lao động – TB&XH tích cực vận động nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia phong trào bài trừ tệ nạn xã hội, đấu tranh xoá bỏ những tàn tích văn hoá lạc hậu, đồi trụy; xây dựng nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa.

II. Thời kỳ1986-1996

Năm 1986, đại hội Đảng lần thứ VI đưa ra đường lối đổi mới về kinh tế- xã hội của đất nước, tạo cơ hội cho lĩnh vực công tác lao động, song cũng đầy khó khăn và thách thức. Ngày 01/01/1988, ty Lao động và ty Thương binh xã hội tỉnh Hà Bắc được sáp nhập thành Sở Lao động – TB&XH. Hòa nhịp cùng công cuộc đổi mới của đất nước, giai đoạn 1986-1996, Ngành Lao động – TB&XH của tỉnh đã kịp thời tiếp cận, triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ mới, góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động của địa phương, thực hiện tốt các chế độ, chính sách với người có công và công tác xã hội.

Công tác Thương binh – liệt sĩ: Công tác thương binh liệt sĩ  thực hiện tốt việc giải quyết chế độ chính sách tồn đọng sau chiến tranh, giới thiệu thương binh đi giám định lại thương tật. Phong trào đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được nhân rộng: Trong 10 năm, toàn tỉnh đã tặng các đối tượng chính sách gần 18.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, hơn 200 nhà tình nghĩa và trên 100 vườn cây tình nghĩa; các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, tổ chức nhận đỡ đầu, phụng dưỡng; nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp, xây dựng các Nghĩa trang Liệt sĩ, xây dựng tượng đài Liệt sỹ ở trung tâm huyện, thị xã. Đồng thời bình quân mỗi năm thực hiện điều dưỡng luân phiên cho trên 500 lượt thương bệnh binh, người có công với cách mạng; góp phần đảm bảo đời sống người có công trên địa bàn tỉnh.

Công tác lao động: Tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp giải quyết việc làm như: giới thiệu cung cấp lao động cho các công - nông - lâm trường, xí nghiệp; tuyển chọn lao động đi hợp tác quốc tế; duyệt và cho vay vốn hỗ trợ việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT với số vay hơn 10 tỷ đồng. Kết quả, đã tạo việc làm mới cho trên 15.000 lao động,vận động gần 30.000 người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ngành Lao động – TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh về sắp xếp lại sản xuất và lao động trong các doanh nghiệp và khu vực hành chính sự nghiệp, giải quyết chính sách cho gần 2 vạn lao động ở khu vực hành chính sực nghiệp và gần 1 vạn lao động ở khu vực hành chính sự nghiệp; triển khai cải tiến tiền lương theo nghị định số 25/CP, 26/CP của Chính phủ và từng bước đưa các nội dung của Bộ Luật Lao động vào thực hiện; trực tiếp tư vấn việc làm cho người có nhu cầu; Đào tạo nghề và đào tạo lại cho hàng ngàn người. Trong 2 năm 1993-1994 giải quyết chế độ hưu trí và mất sức lao động cho trên 8.500 người, tăng gấp 2-3 lần so với những năm trước. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lao động, Ngành ta đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động của địa phương.

Công tác xã hội:Ngành Lao động – TB&XH được giao nhiệm vụ tham mưu  và triển khai thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Đây là nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Tại tỉnh Bắc  Giang do hậu quả của mất mùa năm 1987, đầu năm 1988 đời sống nhân dân, nhất là nông dân gặp rất nhiều khó khăn, số hộ đói tăng, toàn tỉnh có từ 35-40% hộ đói, 10-15% hộ đói gay gắt .. Ngày 9-6-1993, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn về nhiệm vụ “xóa đói, giảm nghèo”.  Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 640-QĐ/UB về việc thành lập Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, quyết định lấy huyện Quế Võ làm điểm để rút kinh nghiệm và chỉ đạo thực hiện ra toàn tỉnh. Nhằm thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, các cấp, các ngành tập trung vào nhiệm vụ giải quyết việc làm cho người lao động bằng biện pháp mở rộng các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, kết hợp chặt chẽ giữa cơ khí với thủ công. Mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức quản lý kinh tế và khoa học - kỹ thuật cho người lao động nhất là thanh niên. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề, khôi phục các làng nghề truyền thống, mở thêm nghề mới. Tổ chức đưa dân đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới tại các tỉnh Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh. Cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo được chỉ đạo chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh các cấp xây dựng quỹ xóa đói, giảm nghèo. Tiêu biểu như Đảng bộ xã Ninh Xá (huyện Thuận Thành) xây dựng quỹ được hơn 100 triệu đồng cho đảng viên vay làm kinh tế gia đình. Hội Phụ nữ xã Kinh Bắc (thị xã Bắc Ninh) đẩy mạnh hai cuộc vận động: chị em giúp nhau làm kinh tế gia đình và nuôi con theo khoa học. Hầu hết các cơ sở trong tỉnh đã xây dựng quỹ xóa đói, giảm nghèo với nhiều hình thức tuyên truyền vận động hội viên thi đua làm kinh tế, thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện và chính sách bảo trợ trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người già cô đơn, nạn nhân chiến tranh, người tàn tật...;các quỹ tình thương được trích từ ngân sách nhà nước và quỹ của các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội ủng hộ đã có tác dụng giáo dục động viên các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, của quê hương ngàn năm văn hiến. Năm 1996 tỷ lệ hộ đói, nghèo trong tỉnh giảm còn 16% (trong đó đói 6%), số hộ giàu ngày càng tăng. Cùng với cả nước, công tác xóa đói giảm nghèo thời kỳ này là thành tựu lớn trong lịch sử phát triển của ngành Lao động – TB&XH

CHƯƠNG V

CÔNG TÁC LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH BẮC GIANG TỪ KHI TÁI THÀNH LẬP TỈNH BẮC GIANG (1997) ĐẾN NAY

 

Ngày 01/01/1997, Sở Lao động – TB&XH tỉnh Bắc Giang được thành lập cùng với sự kiện tỉnh Hà Bắc chia tách thành 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Nhiệm vụ công tác lao động, thương binh và xã hội được củng cố và hoàn thiện từ thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Phạm vi quản lý của Ngành được mở rộng thêm các lĩnh vực mới như: Đào tạo nghề, Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bình đẳng giới và bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về lao động, việc làm, ưu đãi người có công với cách mạng, giảm nghèo, bảo trợ xã hội và phòng chống tệ nạn xã hội. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Ngành Lao động – TB&XH tỉnh Bắc Giang đã tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác. Hệ thống văn bản đó đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy sự phát triển sự nghiệp lao động, thương binh và xã hội trên địa bàn cho đến hôm nay. Bên cạnh đó, Ngành Lao động – TB&XH quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần tích cực đảm bảo ổn định, an toàn, công bằng xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Thành tựu nổi bật của Ngành sau 20 năm sau từ ngày tái thành lập tỉnh Bắc Giang như sau:

Công tác giải quyết chế độ chính sách và chăm lo đời sống, vật chất tinh thần cho người có côngngày càng được nâng lên: Toàn tỉnh có 1.248 mẹ liệt sỹ được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 21.000 liệt sỹ được công nhận, trên 15.000 thương binh, bệnh binh và hơn 5.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học đã được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước; 13.500 gia đình hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ. Thông qua các nguồn xã hội hóa, tỉnh đã hỗ trợ xây mới sửa chữa hơn 600 nhà ở cho người có công; tặng gần 2000 vườn cây tình nghĩa; gần 30.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa; giúp đỡ các hộ gia đình chính sách trên 10 vạn ngày công lao động, trợ giá và giúp cây, con giống trị giá hàng chục tỷ đồng. Phong trào xây dựng “xã, phường giỏi về công tác chăm sóc thương  binh – gia đình liệt sỹ, người có công” đã phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, đời sống của hộ người có công cơ bản bằng và cao hơn mức sống của dân cư địa phương.

Lĩnh vực lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làmcó bước tiến vượt bậc: Quy mô tuyển sinh đào tạo nghề tăng từ dưới 1.000 người năm 1998 lên 30.000người năm 2015; số cơ sở dạy nghề tăng từ 6 đơn vị năm 1998 lên 90 đơn vị năm 2015;tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 33% tăng 26% so với năm 1998. Toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 305.036 người, trong đó 49.239 người đi xuất khẩu lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 7,1% năm 1997 xuống còn 3,8% năm 2015. Thu nhập bình quân của lao động trong các doanh nghiệp năm 2015 đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng, các chế độ chính sách với người lao động cơ bản được thực hiện đầy đủ. Kết quả thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong các ngành nông-lâm-ngư nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp - dịch vụ, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh Bắc Giang.

Công tác giảm nghèođược triển khai đồng bộ, hiệu quả: Các chương trình, dự án giảm nghèo tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện sinh hoạt, công trình thủy lợi, công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất xuất cho người dân khu vực nông thôn, miền núi; Hỗ trợ người nghèo cây, con giống và kỹ thuật để phát triển sản xuất, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao trình độ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tạo việc làm, ổn định thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và tương đối bền vững. Giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 2,17%, bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng phát triển.

Công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội đi vào nền nếp và có nhiều tiến bộ: Các chế độ chính sách cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện kịp thời; định kiến về Giới từng bước được xóa bỏ; trẻ em được chăm sóc tốt hơn, tệ nạn xã hội được kiểm soát; toàn tỉnh hiện có 174 xã, phường phù hợp với trẻ em; 99,8% trẻ em được khai sinh đúng thời hạn; bình quân hàng năm thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 55.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trợ cấp đột xuất cho hơn 60.000 lượt đối tượng khó khăn, góp phần giữ vững ổn định, an toàn xã hội.

Công tác cải cách hành chính:Là ngành trực tiếp giải quyết các chế độ, chính sách đối với công dân, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hành chính nhằm rút ngắn quy trình giải quyết chế độ chính sách, tiết kiệm thời gian và chi phí cho công dân, tăng hiệu quả giải quyết công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Từ 01/01/2012 đến tháng 5/2015, Sở Lao động – TB&XH đã tiếp nhận và giải quyết trên 120.000 hồ sơ của tổ chức và công dân tại Bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả”. Hiện nay, 96/106 thủ tục hành chính được tiếp nhận tại Bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả”, đạt 91%. Sở Lao động – TB&XH phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện ứng dụng hệ thống “Một cửa điện tử liên thông” giải quyết thủ tục hành chính đến 10/10 huyện, thành phố; trang bị máy vi tính cho 100% cán bộ chuyên môn cấp xã để cập nhật chính sách, điều chỉnh kịp thời chế độ cho người có công và thân nhân.

Công tác tổ chức cán bộ được thực hiện có hiệu quả. Việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được tập thể lãnh đạo bàn bạc, thống nhất, đúng nguyên tắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị đồng thời phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ. Bên cạnh đó, tập thể Lãnh đạo Sở thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức trình độ và năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ được từng bước trưởng thành về mọi mặt, nhằm phát huy hiệu quả và năng suất làm việc. Các chế độ, quyền lợi và chức trách của cán bộ, công chức như: nâng lương, khen thưởng, kỷ luật được quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng quy định. Việc quan tâm, lãnh đạo thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ đã góp phần ổn định tình hình của đơn vị, cán bộ của Ngành yên tâm công tác, tạo động lực phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành. 

Liên kết Liên kết

Video Giới thiệu Video Giới thiệu

Không tìm thấy video nào

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,302
Tổng số trong ngày: 5,044
Tổng số trong tuần: 13,901
Tổng số trong tháng: 154,677
Tổng số trong năm: 752,129
Tổng số truy cập: 18,134,948