Hiệp Hoà: Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hiệp Hòa là huyện có diện tích tự nhiên lớn, dân số đông nhất tỉnh, nguồn lao động trẻ, chất lượng nguồn nhân lực đang chuyển biến rõ rệt từ lao động nông nghiệp sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Huyện được xây dựng là động lực phát triển công nghiệp phía tây của tỉnh Bắc Giang; do đó, trong thời gian qua, huyện ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ, lấy công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế được huyện xác định và tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021 -2025. Để đạt mục tiêu này, huyện xác định rõ: đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Cùng với đó, quan tâm, tạo việc làm gắn với tăng thu thập, ổn định cuộc sống giúp phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, chỉ đạo các phòng, ngành chức năng thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Hiện nay trên địa bàn huyện Hiệp Hoà có 1 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp đã được thành lập, tỷ lệ lấp đầy là 74,6%. Trong đó, Khu công nghiệp Hòa Phú có diện tích 293 ha; 10 Cụm công nghiệp có diện tích trên 600 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được 10 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 780 tỷ đồng, số vốn đã đầu tư trên 127 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp 61 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 21.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng trên 15.000 lao động. Ngoài các khu, cụm công nghiệp, toàn huyện có khoảng trên 1.200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, chủ yếu là sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ, điện tử, cơ khí, may mặc với tổng số vốn đăng ký đến nay khoảng 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng trên 12 nghìn lao động. Các cơ sở sản xuất kinh doanh không ngừng đầu tư, nâng cấp các loại máy móc hiện đại gắn với kỹ thuật số, điều khiển tự động, mở rộng quy mô sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm số lượng người đến tuổi lao động dao động lớn khoảng 5 nghìn người; số học sinh, sinh viên ra trường và có nhu cầu tìm kiếm việc làm khoảng trên 2 nghìn người. Ngoài ra, số lao động chuyển việc, lao động bị mất việc làm, cùng với xu hướng chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp theo sự phát triển kinh tế của huyện đã tạo nên nhu cầu tìm kiếm việc của người lao động. Chính vì vậy các cơ quan chuyên môn của huyện đang phải quan tâm, phối hợp triển khai các giải pháp nhằm tạo việc làm mới cho người lao động. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực lao động, việc làm.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và Sở Lao động - TB&XH về trách nhiệm của ngành Lao động - TB&XH trong bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; ngay từ đầu năm 2023, Phòng Lao động - TB&XH đã tập trung xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Phòng đã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Huyện Đoàn, doanh nghiệp thực hiện việc tư vấn học nghề tại các trường THPT, tư vấn, khảo sát nhu cầu học nghề trước khi đăng ký ngành nghề đào tạo, đảm bảo công tác tuyển sinh đúng đối tượng và đúng nghề có nhu cầu học. Thường xuyên thông tin tuyên truyền đến các xã, thị trấn và người lao động về các phiên giao dịch việc làm của tỉnh. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động trước và trong khi làm việc tại doanh nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp đã góp phần rất lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề hàng năm, đồng thời góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện.

(Ảnh: Lớp học nghề may công nghiệp)

Từ đầu năm đến nay đã có 1.632 lao động được đào tạo nghề (trung cấp: 156, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 1.476), đạt 64% kế hoạch năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 76,7%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35,2%; đạt 100% kế hoạch năm. Qua đó, đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, tạo cơ hội việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện.

Cùng với việc quan tâm đào tạo nghề, các cơ quan chuyên môn đã tăng cường đẩy mạnh kết nối việc làm cho người lao động, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững cho lao động địa phương. Phòng đã thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông tin cho các xã, thị trấn để cung cấp cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, kết nối với trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác giải quyết việc làm, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; qua đó, góp phần định hướng, giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, là cầu nối giữa các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người lao động.

Phối hợp với các doanh nghiệp trong đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cập nhật, tổng hợp thông tin thị trường lao động để chia sẻ, cung cấp kịp thời cho người lao động; thường xuyên thông báo các chương trình tuyển dụng để người lao động đủ tiêu chuẩn tham gia thi tuyển đi xuất khẩu lao động; quản lý hoạt động tuyển lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Phối hợp, thông báo đến các xã, thị trấn những phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, chuyên đề, online, của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, huyện;… Đến tháng 7/2023 đã có trên 3.000 người lao động được tạo việc làm mới, đạt 65% kế hoạch năm 2023.

Từ nay đến cuối năm 2023, huyện sẽ thực hiện hoàn thành chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là đào tạo nghề cho trên 2.600 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 78%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ trên 35%; toàn huyện giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động. Để đạt được kết quả này, Phòng Lao động- TB&XH tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở 7-10 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; tổ chức các phiên giao dịch việc làm; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp. Chú trọng công tác dự báo thị trường lao động; tăng cường liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề để cung cấp cho thị trường lao động có tay nghề cao, phù hợp nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành và UBND các xã, thị trấn cần quan tâm hơn nữa đến công tác rà soát, thông tin về nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của người lao động trên địa bàn xã, thị trấn theo định kỳ, có phân loại nhóm tuổi, nhu cầu ngành nghề phù hợp làm cơ sở cho công tác tuyển sinh đào tạo nghề và giải quyết việc làm được hiệu quả hơn; đồng thời tiển khai thực hiện hiệu quả việc tuyển dụng, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định./.

                                                                         CTV: Nguyễn Văn Quảng        

Trung bình (0 Bình chọn)

Liên kết Liên kết

Video Giới thiệu Video Giới thiệu

Không tìm thấy video nào

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,431
Tổng số trong ngày: 6,214
Tổng số trong tuần: 15,071
Tổng số trong tháng: 155,847
Tổng số trong năm: 753,299
Tổng số truy cập: 18,136,118