Bắc Giang: Giải pháp phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Toàn tỉnh có 480.273 trẻ em, chiếm khoảng 28% dân số; trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 3.742 em, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 41.717 em; cả 2 nhóm trẻ em này chiếm gần 10% tổng số trẻ em toàn tỉnh. Đây là nhóm trẻ em yếu thế, rất nhạy cảm, dễ bị sao nhãng, bỏ mặc, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, dễ xảy ra bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, lao động sớm... rất cần được quan tâm chăm sóc để giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện và đảm bảo thực hiện quyền trẻ em theo quy định.

Giai đoạn 2020-2022, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ảnh: Minh hoạ

* Một số kết quả chính đạt được trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em

Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nghiêm túc, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về BVCSTE, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; ban hành các văn bản và triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trẻ em; từ 2020-2022, Sở Lao động - TB&XH tham mưu UBND tỉnh ban hành 13 văn bản (01 Chỉ thị, 01 Quyết định, 09 Kế hoạch, 02 Công văn) về BVCSTE, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh.

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em được toàn tỉnh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Giai đoạn 2020-2022, Sở Lao động - TB&XH đã tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực BVCSTE; phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em cho cán bộ làm công tác trẻ em ở các cấp; cộng tác viên cấp thôn, thành viên Câu lạc bộ trợ giúp trẻ em tại cộng đồng; cha/mẹ, người chăm sóc trẻ em và cho chính trẻ em...

Hàng năm, Sở Lao động - TB&XH đều ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em. Chỉ đạo các địa phương: tổ chức các cuộc rà soát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên phạm vi toàn tỉnh; theo dõi, cập nhập dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý trẻ em; thường xuyên rà soát các địa điểm có nguy cơ đuối nước để có biện pháp đảm bảo an toàn. Cấp, phát tờ rơi tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục, phòng, chống đuối nước trẻ em. Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác này tại địa phương, đối với các vụ đuối nước cần chỉ đạo kiểm tra làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm liên quan, đề ra biện pháp ngăn ngừa tai nạn tương tự tái diễn. Phối hợp, chỉ đạo xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình, điểm tư vấn, câu lạc bộ về BVCSTE như: Mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (Diễn đàn trẻ em, Thăm dò ý kiến trẻ em, Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em). Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện công tác trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại địa phương…

Nhiều mục tiêu về trẻ em đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ như: Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từ 2,5% (năm 2020) xuống còn dưới dưới 2% (năm 2022); Tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc từ 95% (năm 2020) lên 97% (năm 2022). Tình trạng trẻ em lang thang trên địa bàn tỉnh cơ bản được giải quyết. Trẻ em vi phạm pháp luật được quản lý tốt. Giải quyết kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại ngay sau khi được phát hiện, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng; giảm số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích từ 42 em (năm 2020) xuống còn 35 em (năm 2022), trong đó giảm số trẻ em bị tử vong do đuối nước từ 34 em (năm 2020) xuống còn 28 em (năm 2022)....

 Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em còn một số hạn chế, khó khăn

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về BVCSTE, đặc biệt là phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em chưa được thực hiện thường xuyên liên tục, nội dung và hình thức tuyên truyền còn hạn chế. Việc rà soát các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn thương tích, đuối nước để kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em chưa thường xuyên. Công tác phối hợp liên ngành, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em đôi lúc còn chưa chặt chẽ và hiệu quả. Việc bố trí nguồn lực về kinh phí ở nhiều địa phương cấp huyện còn rất hạn chế, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; một số đơn vị cấp xã chưa bố trí được kinh phí hoạt động BVCSTE ở địa phương. Cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, cấp thôn phải kiêm nhiệm rất nhiều mảng công việc khác nhau, cán bộ cấp thôn chưa được hưởng phụ cấp nên hoạt động còn nhiều hạn chế. Một số địa phương thực hiện chế độ thông tin, báo cáo vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn chưa kịp thời, không đầy đủ. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tử vong do tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra…

Ngoài một số hạn chế, khó khăn nêu trên; dự kiến trong thời gian tới công tác phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh có những vấn đề phát sinh

 Bắc Giang đang trong quá trình đô thị hoá, việc mở rộng các khu, cụm công nghiệp, hợp tác xã, tốc độ xây dựng các công trình rất lớn ở khắp các địa phương trong tỉnh, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ số sẽ kèm theo sự gia tăng các dịch vụ như: nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ, nhà trọ, karaoke... nếu không được quản lý tốt, bên cạnh nhận thức của người dân và trẻ em về kiến thức, kỹ năng BVCSTE còn nhiều hạn chế như hiện nay thì sẽ tiếp tục nảy sinh các vấn đề tiêu cực đối với trẻ em, hoặc phát sinh tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích.

Theo số liệu thống kê, rà soát, toàn tỉnh hiện có trên 45 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phần lớn số trẻ em này sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có vấn đề xã hội, gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, gia đình có người vi phạm pháp luật… Các gia đình này còn gặp rất nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống nên ít quan tâm, thậm trí không quan tâm đến con, em mình vì vậy nhóm trẻ này dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, bị xâm hại, tai nạn thương tích, lao động sớm..

Giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian tới

Nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua, đồng thời tập trung giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong công tác phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau:

(1) Các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương tiếp tục phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; quán triệt triển khai chính sách, pháp luật, các Chỉ thị, Quyết định, Kế hoạch, Chương trình về BVCSTE, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; thường xuyên lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ về trẻ em vào Chương trình, Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương hằng năm và theo từng giai đoạn cụ thể.

(2) Đổi mới công tác tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em (trong đó chú ý về phương pháp, nội dung, hình thức, địa bàn, đối tượng tiếp thu); tăng cường tuyên truyền trên mạng internet, mạng xã hội sao cho phù hợp.

 (3) Chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán làm công tác trẻ em ở các cấp về công tác BVCSTE; phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em...

(4) Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu về BVCSTE; phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em tại địa phương.

(5) Giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích ngay sau khi được phát hiện.

(6) Bố trí đủ nguồn lực cả về nhân lực và kinh phí cho công tác BVCSTE; phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em.

(7) Thực hiện tốt công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng, nhất là số đối tượng đã có tiền án về tội xâm hại trẻ em, số thanh, thiếu niên hư, có biểu hiện tham gia các băng nhóm tội phạm, số trẻ em nghiện ma tuý, bỏ học, lang thang…; Tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, quản lý các cơ sở kinh doanh như: khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, internet… từ đó chủ động các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả, nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em.

(7) Báo cáo đột xuất tình hình, vụ việc nảy sinh liên quan đến trẻ em (trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tử vong do tai nạn thương tích, đuối nước) về Sở Lao động - TB&XH) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời theo quy định.

Việc phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em không chỉ riêng của ngành nào, cấp nào, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh cần chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em để đảm bảo mọi trẻ em đều được phát triển một cách toàn diện theo quy định của Luật Trẻ em./.

CTV: Ong Thị Tuyết - TE

Trung bình (0 Bình chọn)

Liên kết Liên kết

Video Giới thiệu Video Giới thiệu

Không tìm thấy video nào

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,193
Tổng số trong ngày: 5,117
Tổng số trong tuần: 13,974
Tổng số trong tháng: 154,750
Tổng số trong năm: 752,202
Tổng số truy cập: 18,135,021