Phấn đấu đảm bảo an sinh xã hội và tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai thực hiện nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có các chính sách ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái, như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nữ; tạo việc làm và khởi nghiệp; chăm sóc sức khỏe… tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm, thực hiện lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới (BĐG) trong xây dựng chính sách và các chương trình, đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và từng ngành, từng địa phương. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐG được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động triển khai Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng; các buổi tuyên truyền về BĐG, giới tính trong trường học… góp phần nâng cao nhận thức của người dân về giới và BĐG.

Đại diện lãnh đạo các sở Lao động - TB&XH, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - TT&DL ký kết Quy chế phối hợp liên ngành nhằm phòng ngừa, ứng phó với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) từ cấp tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. Ban VSTBPN các cấp được kiện toàn góp phần thúc đẩy công tác BĐG trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm, Sở Lao động - TB&XH tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực về công tác BĐG cho cán bộ phụ trách công tác BĐG các cấp, các ngành; Phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BĐG.

Nhằm góp phần vào việc thực hiện hiệu quả công tác BĐG, VSTBPN; tỉnh cũng đã triển khai các chính sách cụ thể như: Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ; các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc... nhằm tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ của phụ nữ, đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội.

Toàn tỉnh có 45 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với 257 nghìn người (chiếm 14,26% số dân của tỉnh), tập trung tại 73 xã và 20 thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, các chương trình, chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn... Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS; từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới người DTTS tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2022-2030, với mục tiêu đến năm 2025, đạt 50% cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tăng tỷ lệ lao động nữ DTTS làm công hưởng lương lên đạt 40% vào năm 2025; Tỷ lệ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ DTTS đạt ít nhất 5% vào năm 2025;…

Nhờ sự quan tâm, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, khoảng cách chênh lệch về giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - thông tin… ngày càng được rút ngắn. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại UBND, HĐND các cấp của tỉnh tăng so với giai đoạn trước (giai đoạn trước UBND, HĐND cấp huyện không có lãnh đạo chủ chốt là nữ). Năm 2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 35.000 lao động, trong đó 17.600 lao động nữ (6 tháng đầu năm 2022 tạo việc làm cho 17.593 lao động); tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 72%; số lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 451.000 người. Tỷ lệ nữ là giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 23%; Năm 2022, có 10 Hợp tác xã/Tổ hợp tác/Tổ liên kết được xét duyệt cho vay với tổng số vốn trên 2,7 tỷ đồng; 1.389 phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp được giúp đỡ và khởi nghiệp thành công. Vai trò và vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, thể dục thể thao ngày càng được nâng lên. Họ cũng chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới”... Song song với đó, chị em vẫn luôn là ngọn lửa giữ ấm hạnh phúc cho từng gia đình.

Nhằm tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, tỉnh Bắc Giang đang triển khai nhiều hoạt động để hưởng ứng Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. 100% các sở, ngành, đoàn thể tỉnh liên quan và địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai Tháng hành động; Đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương như: Truyền thông trực tiếp, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, cấp huyện, hệ thống thông tin và truyền thanh ở cơ sở cấp xã, thôn; Tăng cường truyền thông xã hội qua các trang thông tin điện tử, báo mạng; Phát hành rộng rãi các sản phẩm truyền thông, đặc biệt là các tài liệu tuyên truyền cho cộng đồng; Treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích tuyên truyền các thông điệp về BĐG; …

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh chủ động tăng cường các hoạt động giáo dục, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em; Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, cuộc thi, hội thảo, giao lưu văn nghệ, thể thao...; Tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột... Đẩy mạnh các hình thức kiểm tra về BĐG và VSTBPN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về BĐG, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và trong thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội.

Hy vọng rằng các hoạt động trong Tháng hành động sẽ là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông nhằm phổ biến, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác BĐG và trẻ em; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em./.

CTV: Dương Yến - TE

Trung bình (0 Bình chọn)

Liên kết Liên kết

Video Giới thiệu Video Giới thiệu

Không tìm thấy video nào

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,896
Tổng số trong ngày: 6,215
Tổng số trong tuần: 42,596
Tổng số trong tháng: 131,831
Tổng số trong năm: 903,005
Tổng số truy cập: 18,285,824