Bắc Giang: Tăng cường thực hiện pháp luật về bình đẳng giới

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Công tác bình đẳng giới (BĐG), vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, coi là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, nhiều chỉ tiêu về BĐG đã đạt mục tiêu Chiến lược và kế hoạch UBND tỉnh đề ra đến năm 2025, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhằm thúc đẩy công tác BĐG, VSTBPN, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện công tác BĐG, VSTBPN trên phạm vi toàn tỉnh, gắn nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu BĐG vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn. Hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BĐG, VSTBPN, các văn bản pháp luật mới liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em; vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; tuyên truyền công tác cán bộ nữ, nội dung BĐG trong lĩnh vực chính trị... được các đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác quản lý nhà nước về BĐG, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG từ tuyến tỉnh đến cơ sở được quan tâm đẩy mạnh. Hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác BĐG và VSTBPN ở các cơ quan, đơn vị và các địa phương cũng được tăng cường nhằm kịp thời có những chỉ đạo triển khai và hướng dẫn thực hiện sao cho đạt mục tiêu đề ra.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ. Đội ngũ cán bộ nữ được ưu tiên cử đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận chính trị… Công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt cũng được các cơ quan, đơn vị chú trọng.

Các chính sách trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm có liên quan trực tiếp đến các đối tượng nữ được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể quan tâm triển khai, như: Tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nữ công nhân lao động, nữ đoàn viên thanh niên tỉnh; Điều tra, thu thập thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, về thực trạng việc làm, tình trạng thất nghiệp của người lao động để kết nối cung cầu; Triển khai các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” tập trung vào khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025”… Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ. Tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình của nhà nước để thuận lợi vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Hoạt động bảo đảm BĐG trong gia đình được tổ chức rộng khắp từ cơ quan, đơn vị đến các địa phương trên địa bàn thông qua các phong trào, chương trình, hội thảo, như: Hội thảo "Truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình"; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; các phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống bạo lực gia đình được tích cực triển khai. Toàn tỉnh đã thành lập được 1.457 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình; 523 mô hình hoạt động độc lập; 647 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng… góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc và đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất hành động trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác BĐG, VSTBPN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định, khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế - lao động được thu hẹp… Giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại UBND, HĐND các cấp đều tăng so với giai đoạn trước. Năm 2022, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 33.600 lao động, trong đó 16.900 lao động nữ; tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 23%; 100% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng; Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 116 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm của tỉnh, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2021 (116,5/100)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác BĐG, VSTBPN trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định do các địa phương trong tỉnh không có cán bộ chuyên trách làm công tác BĐG (đều là kiêm nhiệm). Đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG ở cấp huyện đến cấp thôn hay bị thay đổi vị trí công tác dẫn đến thiếu kiến thức, kỹ năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện công tác BĐG tại địa phương, cơ sở. Kinh phí chi cho công tác BĐG hằng năm còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác cán bộ nữ ở các đơn vị, địa phương mặc dù đã được quan tâm thực hiện song chưa toàn diện, còn khoảng cách khá lớn giữa quy hoạch và kết quả bổ nhiệm cán bộ nữ. Còn nhiều phụ nữ và một bộ phận cán bộ nữ vẫn còn biểu hiện tự ti, ngại phấn đấu, chưa chủ động vượt khó, vươn lên nên việc thực hiện BĐG trong gia đình và tham gia các lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị còn có những hạn chế. Sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động còn hạn chế. Mặt khác, do đặc thù của tỉnh là địa hình đồi núi, bao gồm nhiều dân tộc sinh sống, dẫn tới việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm định kiến giới còn khó khăn nhất định. Tư tưởng gia trưởng, trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong nhân dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nên việc tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đối với phụ nữ và nam giới còn hạn chế, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, chưa đạt mục tiêu chiến lược đề ra.

  Nhằm tăng cường thực hiện pháp luật về BĐG và các mục tiêu quốc gia về BĐG, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các Chiến lược, Quyết định, Chương trình, Kế hoạch, Đề án về BĐG, VSTBPN, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trong cộng đồng về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, chú trọng tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nguồn; Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác BĐG, VSTBPN các cấp. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện Luật BĐG, các Quyết định, Chương trình, Đề án… về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật về BĐG; Thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

CTV: Dương Yến – TE&BĐG

Trung bình (0 Bình chọn)

Liên kết Liên kết

Video Giới thiệu Video Giới thiệu

Không tìm thấy video nào

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,633
Tổng số trong ngày: 4,750
Tổng số trong tuần: 41,131
Tổng số trong tháng: 130,366
Tổng số trong năm: 901,540
Tổng số truy cập: 18,284,359